AI là ‘vật cản đường’ Apple tại Trung Quốc

Chậm ra mắt Apple Intelligence, gã khổng lồ Mỹ đang đánh mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa. Huawei và Xiaomi đã chiếm hơn một nửa thị trường smartphone AI nước này.

Apple đang chạy đua tung ra Apple Intelligence trên toàn cầu, nhưng vẫn chậm chân so với nhiều đối thủ. Ảnh: Digital Trends.

Theo dữ liệu từ ITSB và Sina Finance, Huawei hiện chiếm 34,8% thị phần AI trên điện thoại thông minh tại Trung Quốc, trong khi Xiaomi giữ vị trí thứ 2 với 26,9%. Tổng cộng, 2 thương hiệu này chiếm đến 61,7% thị phần, áp đảo các đối thủ khác như Vivo (11,6%).

Còn Apple, gã khổng lồ Cupertino hoàn toàn vắng bóng trong báo cáo này.

Apple và bài toán AI tại Trung Quốc

Apple lần đầu giới thiệu hệ thống trí tuệ nhân tạo Apple Intelligence hồi tháng 6, sau đó tiếp tục công bố thêm thông tin chi tiết trong sự kiện ra mắt iPhone 16 vào tháng 9. Tuy nhiên, phải đến phiên bản iOS 18.1 phát hành vào cuối tháng 10, các tính năng chính của Apple Intelligence mới bắt đầu được triển khai chính thức.

Dù vậy, nhiều tính năng vẫn chỉ ở giai đoạn thử nghiệm beta và chưa phổ biến rộng rãi trên toàn cầu. Riêng ở Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất của Apple - các chức năng cơ bản của Apple Intelligence vẫn chưa xuất hiện, do các rào cản pháp lý tại quốc gia này.

Theo báo cáo của IDC, thiếu các tính năng AI có thể là lý do khiến người tiêu dùng ngần ngại khi bỏ ra hơn 1.000 USD để mua một chiếc iPhone. Dù Táo khuyết vẫn giữ vị trí thứ 2 tại thị trường Trung Quốc, doanh số của iPhone 16 không tăng trưởng so với iPhone 15. Ngược lại, các thương hiệu nội địa như Huawei và Xiaomi đã nhanh chóng tận dụng công nghệ AI và tăng trưởng mạnh.

AI can duong Apple anh 1

Trong khi các đối thủ như Huawei hay Xiaomi đang chiếm lĩnh thị trường AI tại Trung Quốc, Apple vẫn đang loay hoay để ra mắt Apple Intelligence. Ảnh: Shutterstock.

Trong khi đó, Samsung đã hợp tác với Baidu và Meitu để phát triển các tính năng AI cho dòng Galaxy, nhằm tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Đây có thể là mô hình Apple sẽ cân nhắc áp dụng, theo CNN.

Để có thể ra mắt các sản phẩm AI tạo sinh tại Trung Quốc, Táo khuyết cần có sự chấp thuận từ chính phủ. Công ty phải cung cấp thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của hệ thống AI, quá trình huấn luyện và vượt qua các bài kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, Apple Intelligence có tính năng sử dụng công nghệ từ ChatGPT - chatbot đã bị OpenAI chặn truy cập tại Trung Quốc.

Việc này đặt Apple vào một tình thế khó xử: hoặc là từ bỏ thị trường nước ngoài lớn nhất, hoặc phát triển một phiên bản riêng, đã qua kiểm duyệt cho thị trường Trung Quốc.

Tương lai nào cho Apple tại Trung Quốc?

Lịch sử cho thấy tập đoaàn Mỹ thường chọn cách nhượng bộ trước áp lực từ chính quyền Trung Quốc. Apple Intelligence không phải là ngoại lệ, theo The Hill.

Công ty từng lưu trữ dữ liệu iCloud của người dùng Trung Quốc trên các máy chủ thuộc sở hữu trong nước, loại bỏ các ứng dụng theo yêu cầu của chính quyền, thậm chí cấm dịch vụ VPN giúp người dùng vượt qua tường lửa. Khi chính quyền Trung Quốc cáo buộc Apple gây nguy cơ an ninh quốc gia vào năm 2014, thay vì phản kháng, tập đoàn đã giao nộp khóa mã hóa của mình.

AI can duong Apple anh 2

Tim Cook vừa bất ngờ ghé thăm Trung Quốc vào cuối tháng 10. Ảnh: Weibo.

Lý do là cái giá của sự kháng cự quá cao. Quốc gia tỷ dân chiếm 1/5 doanh thu của Apple và sản xuất tới 95% số iPhone toàn cầu. Sự phụ thuộc của Táo khuyết vào Trung Quốc sâu sắc đến mức hãng này đứng thứ 3 trong danh sách những công ty Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất, theo Strategy Risk.

Ngay cả CEO Tim Cook cũng phải liên tục duy trì mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Cuối tháng 10, ông đã ghé thăm Trung Quốc và gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu cuộc gặp gỡ này có bàn về việc ra mắt Apple Intelligence tại thị trường này hay không.

Hiện tại, chiến lược nhượng bộ của Apple có vẻ như đang dần thất bại. Doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm 19% trong năm nay. Người tiêu dùng nước này dần chuyển sang các thương hiệu nội địa như Huawei.

Tình thế này đặt Apple vào một vòng xoáy luẩn quẩn: mỗi lần nhượng bộ không giúp dễ thở hơn mà chỉ tăng thêm đòn bẩy để chính quyền Trung Quốc đưa ra nhiều đòi hỏi, The Hill viết.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/ai-la-vat-can-duong-apple-tai-trung-quoc-a41575.html