Phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát: Luật sư trình bày về ‘trường hợp đặc biệt’ của một bị cáo

Theo luật sư, bị cáo Lê Khánh Hiền là "trường hợp đặc biệt", bị cáo này được Ngân hàng SCB gửi văn bản đề cao thành tích cá nhân trong đề án tái cơ cấu ngân hàng, giúp ổn định tính thanh khoản…

Ngày 6/11, phiên tòa phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 tiếp tục với phần xét hỏi 25 bị cáo của tội danh “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng , hoạt động khác liên quan tới hoạt động ngân hàng”.

Phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát: Luật sư trình bày về ‘trường hợp đặc biệt’ của một bị cáo- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương) trình bày một số tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội, đã nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả của vụ án.

Ông Tùng bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” với cáo buộc giúp bà Trương Mỹ Lan lập 37 hồ sơ vay 1.720 tỷ đồng. Trong đó, tiền được Ngân hàng SCB giải ngân, ông Tùng và công ty của mình đã sử dụng 443,6 tỷ đồng.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Tùng trình bày số tiền 443,6 tỷ đồng nêu trên (phải bồi hoàn cho Ngân hàng SCB như bản án sơ thẩm nêu), ông Tùng nói không sử dụng cho mục đích cá nhân, mà vay để Công ty Đông Phương sử dụng nộp vào ngân sách Nhà nước, vì vậy ông Tùng không có nghĩa vụ liên đới bồi thường số tiền này.

Bị cáo Trần Thuận Hòa (cựu Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, án sơ thẩm tuyên 4 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt vì sau bản án sơ thẩm, bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục một phần hậu quả, gần nhất là cận ngày xét xử phúc thẩm này, bị cáo Hòa đã tác động gia đình nộp thêm 100 triệu đồng.

Ngoài ra, bị cáo Hòa cũng trình bày cha mẹ vợ của bị cáo là người có công với cách mạng, bản thân là lao động chính trong gia đình có 3 con chưa thành niên và cha mẹ trên 80 tuổi.

Bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, bị cấp sơ thẩm xử phạt 13 năm tù), xin HĐXX xem xét sai phạm của bị cáo diễn ra trong hoàn cảnh chịu áp lực từ cấp trên và mong muốn vực dậy Ngân hàng SCB thời điểm đó là đang tái cơ cấu.

Tương tự, bị cáo Lê Khánh Hiền (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, bị HĐXX sơ thẩm TAND TPHCM tuyên phạt 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”) xác nhận với HĐXX về nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát: Luật sư trình bày về ‘trường hợp đặc biệt’ của một bị cáo- Ảnh 2.

Luật sư Đặng Kim Chinh (trái sang) tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu

Theo bị cáo Lê Khánh Hiền, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hiền đã vận động gia đình tiếp tục khắc phục hậu quả.

Theo luật sư Đặng Kim Chinh (Đoàn luật sư TPHCM, bào chữa cho bị cáo Lê Khánh Hiền) bị cáo Hiền là một "trường hợp đặc biệt", được Ngân hàng SCB gửi công văn đến HĐXX ghi nhận có thành tích xuất sắc trong đề án tái cơ cấu Ngân hàng SCB.

“Bị cáo Lê Khánh Hiền đã giúp ổn định tính thanh khoản, hiện đại hóa công nghệ thông tin của Ngân hàng SCB” - Luật sư Đặng Kim Chinh thông tin trước Tòa.

Cũng tại phiên tòa, các bị cáo chủ chốt của Ngân hàng SCB cũng trình bày các nội dung, tình tiết mới để xin HĐXX phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/phuc-tham-dai-an-van-thinh-phat-luat-su-trinh-bay-ve-truong-hop-dac-biet-cua-mot-bi-cao-a40948.html