Vụ biến đất sân golf thành đô thị: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng

Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cùng với 16 bị can khác đã bị đề nghị truy tố trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến Dự án Khu đô thị biển Phan Thiết, Bình Thuận. Các bị can đã để xảy ra sai phạm trong việc phê duyệt giá đất ở quy hoạch, gây thiệt hại tổng cộng hơn 308 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, năm 1993, Công ty Regent International OverSeas Corp (Hong Kong - Trung Quốc) được Chính phủ Việt Nam chấp thuận đầu tư dự án Ocean Dunes Golf Club (Sân golf Phan Thiết) với quy mô 62ha, và được cấp đất thuê trong 50 năm để thực hiện dự án.

Vụ biến đất sân golf thành đô thị: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng- Ảnh 1.

Công trình của Cty cổ phần Rạng Đông trước đây là Sân Golf Phan thiết, tỉnh Bình Thuận.

Vào tháng 9/2013, ông Rajinder Pal Singh (Chủ tịch Công ty Regent International OverSeas Corp) đã ký hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn và quyền lợi tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết cho Công ty cổ phần Rạng Đông, trị giá 2,5 triệu USD. Sau khi tiếp quản, Công ty cổ phần Rạng Đông đã nộp hồ sơ xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

Đến tháng 11/2013, bị can Lê Tiến Phương , khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty cổ phần Rạng Đông, cho phép công ty này kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của chủ đầu tư trước đó.

Tiếp sau đó, Công ty cổ phần Rạng Đông đã đề nghị chính quyền tỉnh Bình Thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sân golf sang đất ở đô thị cho dự án Ocean Dunes Golf Club.

Việc chuyển đổi này có tính chất nhạy cảm, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, vì vậy ông Lê Tiến Phương đã tổ chức họp UBND tỉnh Bình Thuận và kết luận cần xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận trước khi tiến hành.

Tháng 3/2014, ông Lê Tiến Phương đã ký công văn báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, đề nghị xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị. Nếu được chấp thuận, UBND tỉnh sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan, đồng thời điều chỉnh quy hoạch sân golf trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Nhận công văn này, ông Huỳnh Văn Tí, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đã chủ trì họp Ban Thường vụ và thống nhất đồng ý để UBND tỉnh báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi toàn bộ diện tích 62ha đất sân golf sang xây dựng khu đô thị cho Công ty cổ phần Rạng Đông.

Vụ biến đất sân golf thành đô thị: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng- Ảnh 2.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương.

Biến đất sân golf thành đô thị

Tuy nhiên, sau khi hồ sơ được gửi lên Trung ương, có đơn thư phản đối và một số bài báo đưa ra ý kiến trái chiều về việc điều chỉnh dự án. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận phải thực hiện báo cáo lại.

Tỉnh Bình Thuận đã phân tích kỹ lưỡng và đi đến thống nhất cao về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận việc đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam để xây dựng khu đô thị.

Sau khi nhận được sự đồng ý, UBND tỉnh Bình Thuận đã điều chỉnh dự án từ đất thể dục thể thao (sân golf) thành đất ở, giao cho Công ty cổ phần Rạng Đông lập quy hoạch xây dựng. Quy hoạch yêu cầu: đất giao thông chiếm hơn 30%; đất công trình công cộng (nhà khu phố, nhà trẻ, mẫu giáo) chiếm khoảng 0,4%; đất công viên cây xanh công cộng chiếm trên 8%; và đất ở kết hợp thương mại dịch vụ không quá 60%.

Trong quá trình thực hiện dự án, các bị can đã để xảy ra sai phạm trong việc phê duyệt giá hơn 10ha đất ở quy hoạch nhà cao tầng, gây thiệt hại hơn 154 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc định giá hơn 25ha quy hoạch nhà thấp tầng cũng vi phạm pháp luật, gây thêm thiệt hại 154 tỷ đồng. Tổng thiệt hại mà cơ quan điều tra xác định do các bị can gây ra là hơn 308 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu thập hồ sơ và tài liệu, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời tiến hành xác minh đối với 4 dự án. Trong số đó, có 3 dự án do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư, bao gồm dự án rừng dầu Hồng Liêm tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc; dự án trồng rừng, cây lâu năm và du lịch xanh dã ngoại (còn gọi là dự án Bồng lai tiên cảnh); và dự án Khu du lịch Xuân Quỳnh ở phường Mũi Né. Tính đến hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm liên quan đến các dự án này.

Các bị can Lê Tiến Phương, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Ngọc, cựu phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận; Lê Quang Vinh, cựu bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận); Nguyễn Văn Phong, cựu phó giám đốc Sở Tài chính, nguyên Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận; Xà Dương Thắng, cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm, cựu giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận; Đỗ Ngọc Điệp, cựu chủ tịch UBND TP Phan Thiết, cùng 9 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/vu-bien-dat-san-golf-thanh-do-thi-cuu-chu-tich-ubnd-tinh-binh-thuan-cung-dong-pham-gay-thiet-hai-hon-308-ty-dong-a40820.html