Theo BHXH Việt Nam, Luật BHXH hiện hành không cấm người lao động đã rút BHXH một lần thì không được tham gia lại để hưởng lương hưu.
Theo Điều 60 Luật BHXH 2014, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Như vậy, khi đã nhận BHXH một lần, nếu muốn được hưởng lương hưu thì thời gian đóng BHXH của người lao động buộc phải tính lại từ đầu, tối thiểu 20 năm.
Tuy nhiên, theo Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, người lao động khi đủ tuổi hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.
So với quy định hiện hành, từ ngày 1/7/2025 người đủ tuổi về hưu có thời gian đóng BHXH 15 năm là được hưởng lương hưu, thay vì 20 năm như hiện nay.
Quy định này tạo cơ hội cho những người đã rút BHXH một lần có thể quay trở lại tham gia muộn (45 - 47 tuổi), hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng để hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
Như vậy, Luật BHXH 2024 đã bổ sung nhiều quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì nhận BHXH một lần.
Ngoài ra, do Luật BHXH hiện hành và luật mới đều không quy định việc người lao động đã rút BHXH một lần được trả lại, để bảo lưu thời gian đóng BHXH, nên người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định rút BHXH một lần.
Rút BHXH một lần: Người lao động thiệt đủ đường
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.
Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già.
Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời.
Thứ tư, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH.
Thứ năm, khi không rút BHXH một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là "của để dành" quý giá của người lao động, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/truong-hop-nguoi-rut-bhxh-mot-lan-van-co-the-nhan-luong-huu-ai-cung-nen-biet-a40746.html