Hội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 2: Xây dựng du lịch xanh

25/10/2024 08:13

Du lịch xanh đang là xu hướng phát triển bền vững của ngành du lịch. Ngành du lịch tỉnh Bình Định đang có các mô hình, giải pháp mới, độc đáo để tiếp tục bứt phá.

File Video chuẩn

Rùa biển về đẻ giữa làng chài du lịch

Gần chục năm sau khi "đánh thức" làng chài Nhơn Hải (xã Nhơn Hải, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), du khách đến ngày càng đông. Các hoạt động lưu trú, trải nghiệm thêm sôi động.

Tuy nhiên, không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp đầy thiên nhiên của làng chài, du khách thêm thích thú khi thấy rùa biển lên bờ sinh sản.

Làng chài Nhơn Hải được đánh thức nhờ du lịch. Ảnh: Phan Tín

Làng chài Nhơn Hải được đánh thức nhờ du lịch. Ảnh: Sơn Tùng

Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng – thành viên HTX dịch vụ và du lịch - thủy sản Nhơn Hải, tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải, nói: "Khi vùng biển Nhơn Hải có sự xuất hiện trở lại của rùa biển, rạn san hô được khôi phục và bảo vệ, một hệ sinh thái biển phong phú trở thành điểm nhấn cho du lịch".

Ở Nhơn Hải, chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch một khu bảo tồn cho rùa biển sinh sản. Từ năm 2021 tới nay, nhiều du khách "đặt hàng" về xem rùa biển đẻ trứng.

Ông Nguyễn Ngọc Nam- Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cho biết, du lịch "đánh thức" làng chài nơi đây. 

Ở Nhơn Hải bây giờ, đi dọc con đường bờ kè ven biển là các homestay, các dịch vụ trải nghiệm du lịch như chèo sup, cano, lặn biển... 

Mỗi năm, Nhơn Hải thu hút hàng nghìn lượt khách, góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Người dân và du khách háo hức khi được tận mắt xem rùa biển lên bờ đẻ trứng ở Nhơn Hải năm 2024. Ảnh: Xuân Sáng

Người dân và du khách háo hức khi được tận mắt xem rùa biển lên bờ đẻ trứng ở Nhơn Hải năm 2024. Ảnh: Xuân Sáng

Người dân Nhơn Hải không chỉ chăm lo phát triển du lịch mà còn chung tay bảo vệ vùng biển, bảo vệ hệ sinh thái vùng ven bờ để cùng khai thác du lịch xanh, bền vững.

Tổ chức cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nhơn Hải được thành lập với 50 thành viên, được giao đồng quản lý vùng biển ven bờ diện tích 12 ha – nơi đây trở thành nơi bảo tồn hệ sinh thái biển và bãi đẻ trứng rùa biển.

"Nhơn Hải được tỉnh chọn để xây dựng dự án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025. Đây chính là cơ hội thực sự để người dân Nhơn Hải "giàu và mạnh" lên từ biển bằng con đường phát triển du lịch cộng đồng"- ông Nam nhấn mạnh.

Không riêng Nhơn Hải, làng chài Nhơn Lý (xã Nhơn Lý) trở thành một "điểm sáng" của Bình Định, hấp dẫn du khách bởi kiến trúc làng chài đậm nét của người dân miền Trung. 

Mọi con đường ở làng chài đều nhìn ra, dẫn ra biển; không gian sinh hoạt của cộng đồng gắn với biển. Ở Nhơn Lý, lễ hội cầu ngư hàng năm trở thành một lễ hội lớn của người dân, và những năm gần đây thu hút đông đảo khách du lịch cùng tham gia trải nghiệm.

Nhơn Lý - làng biển xưa đã

Nhơn Lý - làng biển xưa đã "lên màu" du lịch, những nếp nhà trở thành homestay phục vụ du khách. Ảnh: Trân Nguyễn

Nắm bắt xu hướng này, từ lâu làng chài Nhơn Lý thành công kiến tạo nên một không gian, nhịp sống làng chài mới -làng chài & làng du lịch cộng đồng đầu tiên của Tp. Quy Nhơn.

Theo chị Trương Thị Thanh Thảo (người dân ở Tp. Quy Nhơn), mỗi lần đặt chân tới Nhơn Lý tôi đã bị vẻ đẹp bình dị của làng chài này cuốn hút. Mỗi nếp nhà, mỗi con đường đều thẳm màu xanh của biển cả. Dù là người địa phương nhưng làng chài không hề thiếu sức hấp dẫn với chị, mỗi khi có dịp nghỉ ngơi, du lịch chị thường xuyên chọn Nhơn Lý.

Du khách đến với Nhơn Lý đều có thể trải nghiệm bằng việc đi tour tự túc, tìm hiểu về kiến trúc làng chài, thưởng thức ẩm thực. 

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch ở Nhơn Lý ngày càng phát triển và chuyên nghiệp để hỗ trợ khách như Khánh An Travel, HTX sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh...

Ông Nguyên Thành Danh – Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho hay, trước năm 2019, thu ngân sách của Nhơn Lý vào khoảng 5 tỷ đồng; từ năm 2019 đến nay, thu ngân sách của xã tăng vọt lên 12 tỷ đồng.

Đó là nhờ vào sự phát triển của dịch vụ du lịch. Nhơn Lý từng một thời "vỡ mộng" với giấc mơ xuất ngoại đi Phi (Philippines) mưu sinh; Nhơn Lý bây giờ là một làng du lịch cộng đồng nổi tiếng của Bình Định.

Báo cáo "Du lịch bền vững năm 2024" do nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com thực hiện (tháng 5/2024) cho thấy du khách Việt Nam thuộc nhóm yêu thích và có ý thức hành động vì du lịch bền vững hàng đầu thế giới.

Theo đó, có tới 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng góp một vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ.

Khảo sát của Booking.com đưa ra con số, nhìn về tương lại 94% du khách Việt Nam cho biết họ mong muốn thực hiện các chuyến đi bền vững hơn trong vòng 12 tháng tới.

Trong số đó, có 56% cảm thấy áy náy khi lựa chọn những hình thức du lịch có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; còn 21 % quyết định hành động theo hướng bền vững hơn vì tin tưởng đó là quyết định đúng đắn.

Du lịch xanh, bền vững thành xu hướng chủ đạo

Ông Lê Duy Lân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trung Hội (Cát Tiến, Bình Định), cho biết. "Ngay khi mới xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ở Trung Lương, định hướng của tôi là phát triển mô hình nghỉ dưỡng "xanh" dựa trên các tiêu chí bảo vệ môi trường.

Cụ thể, trong phục vụ ẩm thực, chúng tôi hoàn toàn không sử dụng nhựa tái chế, thay vào đó là các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chúng tôi hạn chế khách lặn biển để tái tạo rạn san hô; cùng với địa phương tham gia bảo tồn hệ sinh thái biển. Có thể vì thế mà vùng biển Trung Lương trước khu nghỉ dưỡng đã từng "đón" cá heo về bơi lội".

Khu nghỉ dưỡng thuộc Công ty TNHH Du lịch Trung Hội nằm ở vùng biển Trung Lương, một vị trí đắc địa để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển. Ảnh: Trung Hội

Khu nghỉ dưỡng Crown Retreat của Công ty TNHH Du lịch Trung Hội nằm ở vùng biển Trung Lương, một vị trí đắc địa để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển. Ảnh: Trung Hội

Theo ông Lân, du lịch xanh là xu hướng tất yếu. Ông Lân nói, khi mới vận hành khu nghỉ dưỡng và đón khách, trong đó có du khách nước ngoài đã đến nơi đây. Một vị khách Đức từng chia sẻ rằng, ở đất nước của họ không còn dùng sản phẩm nhựa tái chế, bởi mức độ tác động đến môi trường nguy hại.

Ông Lê Duy Lân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trung Hội chia sẻ về mô hình du lịch xanh của đơn vị. Ảnh: Trung Hội

Ông Lê Duy Lân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trung Hội chia sẻ về mô hình du lịch xanh của đơn vị. Ảnh: Trung Hội

Từ chia sẻ này của du khách, Trung Hội đã quyết tâm, hoàn thiện và vận hành khu nghỉ dưỡng theo hướng xanh. Đây chính là điểm cộng, để doanh nghiệp trở thành "địa chỉ" được nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế lựa chọn.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Đảo – Giám đốc Công ty Du lịch Khánh An Travel – kiêm hướng dẫn viên tour biển đảo Nhơn Lý, nhìn nhận: "Du khách ngày càng yêu thích những điểm đến xanh, lành và an toàn. Chính vì thế, trong nhóm tour biển, đảo của chúng tôi, định kỳ có tour du lịch trải nghiệm kết hợp bảo vệ môi trường. 

Nhiều du khách tích cực đăng ký tour này, cùng với nhân viên của công ty tham gia thu dọn rác, làm sạch bãi biển. Một điều rất thú vị, nhiều du khách trở thành khách "ruột" riêng tour trải nghiệm này".

Du lịch xanh với trải nghiệm nông nghiệp giúp làng rau này đón khoảng 4.000 lượt khách/năm. Ảnh: Tố Trân

Du lịch xanh với trải nghiệm nông nghiệp, giúp làng rau Thuận Nghĩa (Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định) đón khoảng 4.000 lượt khách/năm. Ảnh: Tố Trân

Nói về xu hướng du lịch xanh, bà Trương Kim Loan – Trưởng Phòng Du lịch nội địa Saigontourist – Chi nhánh Quy Nhơn, chia sẻ, hiện nay du khách quan tâm nhiều hơn tới yếu tố môi trường khi chọn tour, tuyến. 

Ở Bình Định, phân khúc khách hàng của chúng tôi tập trung chủ yếu là tour biển. Song, chúng tôi cũng quan tâm đến một số điểm đến "xanh" đúng nghĩa như làng rau Thuận Nghĩa (Tây Sơn); VinhCa Organicfarm (Vân Canh)...

Ông Nguyễn Ngọc Thạch – chuyên dẫn tour du lịch trải nghiệm cộng đồng Mũi Vi Rồng – Tân Phụng và đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ), nhận định, du khách đặc biệt khách quốc tế thiên về những điểm du lịch cộng đồng, trải nghiệm và khám phá đời sống, văn hóa của vùng đất mà họ đến. 

Họ có nhu cầu tìm hiểu sâu về văn hóa địa phương, lịch sử của vùng đất, khám phá vẻ đẹp, và yêu cầu đầu tiên của họ là môi trường xanh, sạch và an toàn.

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định chia sẻ về xu hướng phát triển du lịch xanh. Ảnh: Thu Dịu

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định chia sẻ về xu hướng phát triển du lịch xanh. Ảnh: Thu Dịu

Theo ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, du lịch xanh từng bước định hướng và phát triển ở Bình Định. Bằng chứng, tỉnh Bình Định phát triển các mô hình du lịch xanh cộng đồng ở các làng chài ven biển; các làng nghề nông nghiệp của tỉnh.

"Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Những năm qua, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư du lịch tại tỉnh, trong đó có sự đóng góp của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Tỉnh luôn chú trọng vào phát triển và nâng cao chất lượng du lịch, đưa Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Du lịch xanh trong bối cảnh mới là vấn đề quan trọng mà tỉnh quan tâm, tổ chức nhiều hội thảo để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh" . Ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ tại Tọa đàm "Bình Định kích hoạt du lịch xanh: Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn" năm 2021.

"Phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với du lịch là một cơ hội lớn với vùng đất Bình Định. Với lợi thế, kinh nghiệm trong xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản, khi về Bình Định, chọn đặt nhà máy chế biến nông sản sâu ở Tây Sơn, chúng tôi đã tính toán sẽ khởi động mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp từ nông trại - tới nhà máy. Đây chính là giá trị cộng thêm để đưa du lịch và nông nghiệp của Bình Định cùng win – win", bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Tổng giám đốc Công ty Vinanutrifood Bình Định trao đổi tại hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản tại Bình Định vào đầu tháng 10/2024.

Sơn Tùng - Thu Dịu

Hội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 1: Tiềm năng du lịch biển thành kinh tế mũi nhọnHội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 1: Tiềm năng du lịch biển thành kinh tế mũi nhọn

Chưa hết năm 2024, Bình Định đã vượt kế hoạch đề ra, phát triển đột phá về du lịch. Tỉnh này đang quyết tâm phát huy tối đa tiềm năng, kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại phát sinh để đưa du lịch phát triển bền vững, xanh…