Ngày 11-12, đại diện Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã thông tin về quá trình triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (tức Mr Pips, 30 tuổi, trú TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (tức MR Hunter, trú quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu.
Giữa năm 2024, các trinh sát Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) lần ra manh mối về đường dây lừa đảo đầu tư tài chính có quy mô cực lớn trên không gian mạng. Trước tình hình này, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy, báo cáo lãnh đạo Công an TP Hà Nội và xác lập chuyên án đấu tranh.
Ban chuyên án lập tức huy động các tổ trưởng hình sự công an 8 phường trên địa bàn, tổng cộng 12 cán bộ chỉ "ăn và làm chuyên án bí mật". Trong quá trình điều tra vụ án, lực lượng công an đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhiều "đêm trắng", tập trung cao độ, tiếp cận lần theo từng dấu vết của nhóm nghi phạm.
Thượng úy Trần Công Hậu, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy, cho biết ổ nhóm lừa đảo của Mr Pips Phó Đức Nam và Mr Hunter Lê Khắc Ngọ được điều hành, sắp xếp cơ cấu nhân sự chặt chẽ. Nhóm này có sự phân cấp với quy mô hoạt động phạm tội trên toàn quốc và ở nước ngoài.
"Khu vực trung tâm, có bảo vệ, an ninh tòa nhà giám sát. Chúng còn lắp camera, cho người canh gác ở cửa nhằm cảnh giới, ứng phó khi cơ quan chức năng phát hiện"- Thượng úy Hậu nói.
Theo thượng úy Hậu, trên không gian mạng các đối tượng sử dụng ứng dụng có độ bảo mật cao, dễ dàng xóa dấu vết, ẩn danh khi hoạt động. Nhóm này thường xuyên không ở Việt Nam "điều tra viên phải hết sức khéo léo, bí mật, nhạy bén, không để lộ thông tin".
Sau thời gian dài trinh sát, thu thập chứng cứ, tài liệu, bằng các biện pháp nghiệp vụ cùng sự quyết tâm cao độ, ngày 25-10, lực lượng công an đã tổ chức bắt giữ Phó Đức Nam cùng hàng chục đồng phạm tại phường 1, quận 4, TP HCM.
Theo đại diện quận Cầu Giấy, đến nay cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt khoảng 28 tỉ đồng. Ngoài ra, vụ án này còn rất nhiều bị hại chưa ra trình báo nên cảnh sát chưa xác định được thông tin và cụ thể số tiền các bị can đã chiếm đoạt. Nhiều bị hại nghĩ các kênh của Mr.Pips là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống do đó họ nghĩ mất tiền là do may rủi nên không trình báo.
Trong số những bị hại trình báo có B.N.L (22 tuổi, trú Quảng Ninh), là sinh viên Trường đại học FPT. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, L. biết Phó Đức Nam là chuyên gia về đầu tư chứng khoán, thường xuyên đăng những video, hình ảnh về siêu xe, đồng hồ và nhà ở đắt tiền. Đầu tháng 6-2024, L. chủ động nhắn tin cho Nam qua Facebook để kết bạn và làm quen nhằm mục đích tìm hiểu về các sàn Nam đang đầu tư.
Qua trò chuyện, Nam giới thiệu L. đầu tư cổ phiếu thông qua sàn JPexchange.com và hướng dẫn nam sinh viên mua các mã cổ phiếu NVIDA, NOVELIS, XAUUSD, XAGUSD, WTI… Nghe lời Nam, L. đã thực hiện 37 giao dịch chuyển tiền từ tài khoản cá nhân vào sàn chứng khoán của Phó Đức Nam, sau đó bị "cháy" tài khoản. Tổng số tiền L. bị lừa đảo chiếm đoạt là 8 tỉ đồng.
Tương tự trình báo với công an, anh L.D.L (34 tuổi, trú Nghệ An) ngày 7-5, bản thân nhận được điện thoại của một phụ nữ, giới thiệu tên Lan là nhân viên tư vấn của công ty chứng khoán quốc tế Alpha, tư vấn cho anh tham gia đầu tư, chỉ cần tạo tài khoản, nạp tiền sẽ có người hướng dẫn cách chơi. Song do chưa hiểu biết về đầu tư chứng khoán nên anh D.L từ chối tham gia. Lan sau đó tiếp tục gọi thuyết phục, dụ dỗ và anh D.L đồng ý tham gia, được Lan hướng dẫn, tạo tài khoản trên sàn gtmx.com.
Sau khi nạp tiền vào sàn, anh D.L được hướng dẫn mua các mã cổ phiếu XAUUSD, WTI, ITA20, EURUSD, BRENT… Anh D.L đã thực hiện 6 giao dịch, chuyển tổng 5,6 tỉ đồng từ tài khoản cá nhân vào sàn chứng khoán.
Theo Công an Hà Nội, qua dữ liệu điện tử thu thập được từ các bị can, cơ quan điều tra xác định có 2.661 bị hại. Những bị hại này được lưu đầy đủ thông tin cá nhân trong hồ sơ của những nhân viên sale và dữ liệu thể hiện họ đã nạp tổng số tiền khoảng 50 triệu USD.